Làm sao Để thoát khỏi định kiến với những người giàu
Những cô gái Việt đối diện với sự sàm sỡ của cảnh sát Ukraine, đàn ông bị dí súng và dùi cui vào đầu giữa ban ngày. Những hình ảnh được truyền tải gây shock cho cộng đồng người Việt.
Bao giờ thì một tỷ phú Việt được yêu quý như ông chủ của mạng xã hội Facebook, của Microsoft, của Apple, thậm chí đang nhận sự ủng hộ đông đảo của dân chúng để tiến tới vị trí tổng thống Mỹ như tỷ phú Donald Trump?
Có một nghịch lí, ai cũng mong giàu có, nhưng kết quả khảo sát của một viện nghiên cứu được đăng trên tờ China Daily cho biết “96% dân chúng nói họ căm ghét người giàu có”.
Thậm chí “Sự căm ghét đối với các quan chức, người giàu có đang trở thành một trạng thái tâm lý” tờ báo dẫn lời một lãnh đạo của viện nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh thừa nhận.
Việt Nam chưa có các nghiên cứu riêng lẻ về vấn đề này, nhưng việc “căm ghét người giàu và quan chức” chắc hẳn không khác nhiều so với Trung Quốc, bởi bối cảnh xã hội hai quốc gia có nhiều điểm khá tương đồng.
Những người Việt giàu có và định kiến
Mới đây, Làng Sen, một khu vực sinh sống và làm ăn của người Việt tại Ukraine bị cảnh sát ập vào khám xét, toàn bộ tiền bạc bị đánh cắp. Những người chống cự bị bẻ quặt tay úp mặt xuống tuyết lạnh.
Những cô gái Việt đối diện với sự sàm sỡ của cảnh sát Ukraine, đàn ông bị dí súng và dùi cui vào đầu giữa ban ngày. Những hình ảnh được truyền tải gây shock cho cộng đồng người Việt.
Những bất ổn chính trị tại quốc gia này khiến nhiều người Việt sống lâu ở đây phải thay đổi phương thức làm ăn, hoặc tìm đường tháo chạy sang những quốc gia khác yên bình hơn.
Ít người biết rằng, ông bà chủ các doanh nghiệp đình đám trong nước như Vingroup, Sovico, Masan, Eurowindow, VIBbank, Sungroup, VPbank, OCB .., đều ít nhiều trải qua những sóng gió như làng Sen, thậm chí khốc liệt hơn nhiều, khi Liên Xô sụp đổ.
Nhiều người trong số họ đã tay trắng, có người còn mất mạng. Một số ít tồn tại và phát triển thành những ông chủ lớn. Đó là những cá nhân kiệt xuất, chăm chỉ, liều lĩnh và dĩ nhiên còn có cả sự may mắn.
Quay trở lại chuyện người giàu. Người giàu ở Việt Nam được dân chúng khái quát chung là những kẻ ăn trên ngồi trốc, hợm hĩnh, luồn cúi và tham nhũng.
Định kiến này một phần do lịch sử, một phần do sự giàu có bất thường của một bộ phận quan lại, một phần do giáo dục và xây dựng hình ảnh người giàu gắn với những điều xấu xa trong sách vở. Dĩ nhiên, họ đều là những kẻ đáng ghét.
Đã đến lúc, chúng ta cần minh định và phân biệt rõ để có thái độ đúng mực với những người “giàu có”. Sự giàu này do “làm ăn chính đáng” hay “làm giàu một cách đê tiện”.
Ông Vượng, một người kín tiếng, tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam theo đánh giá của tạp chí Forbes, chủ tập đoàn Vingroup hùng mạnh, được biết đến là học sinh giỏi xuất sắc thời phổ thông và được chính phủ thời đó cử đi học ở Liên Xô.
Không dưới một lần, trong những bài viết lưu truyền trên mạng của bạn ông, đã kể đến thủa hàn vi và khó khăn của anh em ông khi Liên Xô tan rã. Đó là một hành trình gian nan để có ngày hôm nay.
Một người cùng trang lứa với ông Vượng là bà Thảo, chủ tập đoàn Sovico, được hãng Bloomberg gán cho cái tên “người phụ nữ tỷ đô”.
Madam Thảo, tên thân mật mỗi khi một nhân viên nhắc về bà, là CEO hãng hàng không Vietjet Air. Hãng mới ký mua 100 máy bay với hãng Boeing trị giá 11,3 tỷ USD, trong mắt bạn bè là một người dễ chịu.
“Thảo ngày xưa ở sát chợ Hôm, nhà có cửa hàng bán dược phẩm. Đó là một người phụ nữ bình dị, hay cười, quý trẻ nhỏ, yêu ca hát và nhân hậu” anh M, bạn học cũ của Thảo chia sẻ.
Hình ảnh người phụ nữ ở Làng Sen với ánh mắt thất thần và người đàn ông bị bẻ gập tay úp mặt trên tuyết, tài sản bị cướp trắng, có thể cũng là hình ảnh tái hiện những “ông Vượng bà Thảo” thời kì trước. Họ cần được chia sẻ quá trình đi lên trong gian nan của mình, biết đâu, 20 năm sau, chính những người đó lại là những người đầu tư mạnh mẽ cho quê hương.
Xét về mặt nào đó, họ là những người yêu nước. Và dĩ nhiên, không thể xếp họ đứng chung với những người giàu có bằng con đường bất lương khác như tham nhũng, tội phạm.
Mặc dù, đến giờ, với bối cảnh quốc gia đang phát triển lộn xộn, đi kèm một hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn chỉnh, không ai dám khẳng định họ hoàn toàn trong sáng và lương thiện trong quá khứ lẫn tương lai.
Di sản của người giàu
Tờ Người Thượng Hải hôm 21/5 đưa tin về một đám cưới đặc biệt, với màn đón dâu bằng chuyên cơ riêng. Cô dâu là con gái một đại phú gia trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Đám cưới được cho là “không thể xa xỉ hơn”.
Buổi lễ vấp phải không ít sự chê trách của công chúng. Những hình ảnh bất bình thường so với đời sống đa số thị dân khiến nhiều người nổi giận và ghét bỏ.
Trong bản tin ngắn phát trên Tân Hoa xã đầu tháng 5, nhà chức trách Trung Quốc quyết định cấm các show truyền hình thực tế có sự xuất hiện của các cô chiêu cậu ấm nước này. Điều này được đông đảo phụ huynh đồng tình.
Trong khi đó tại Mỹ, trên tài khoản mạng xã hội, một cô gái khác có tên Christina Chu, liên tục post các hình ảnh tự sướng trên máy bay riêng, những bữa tiệc xa hoa cùng nhóm bạn trên du thuyền, xe hơi bóng lộn, những chiếc túi hàng hiệu trị giá hàng chục ngàn USD.
Cô gái 20 tuổi này được coi là đại diện của thế hệ thứ 2 trong những gia đình giàu có Trung Quốc được sắp xếp định cư ở nước ngoài. Họ không ngại khoe những vật dụng xa xỉ trên mạng xã hội. Tại khu vực Christina Chu sinh sống, cư dân hầu như không quan tâm đến sự hiện diện của cô. Sự tự do gần như tuyệt đối.
Hai xã hội thể hiện hai bộ mặt khác biệt đối với một hiện tượng tương đồng. Khi bị ghét bỏ, điều đó đồng nghĩa với cuộc sống không còn sự an toàn.
Như ở Trung Quốc, những người giàu có Việt Nam thường cho con cái đi học ở nước ngoài. Họ thừa sức đảm bảo cuộc sống xa xỉ cho con cái tại bất kì quốc gia văn minh nào. Nơi con cái họ không bị ai nhòm ngó vì sự giàu sang của bố mẹ chúng.
Nhưng nhiều người giàu có không làm điều đó, họ định hướng cho con cái chọn lựa cách quay về, đối diện với thách thức, sự ghét bỏ của những người xung quanh. Họ muốn con cái nối nghiệp để tiếp tục xây dựng đế chế họ đổ xương máu lập ra.
Ông Trần Quí Thanh, chủ tập đoàn nước giải khát với doanh số năm 2015 là 500 triệu USD, trong một lần phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNBC hồi tưởng “tôi được gửi vào trại trẻ mồ côi năm 9 tuổi khi mẹ mất. Cuộc sống đầy khó khăn nên tôi phải vật lộn và làm việc cật lực mỗi ngày”.
Ông Thanh đã xây dựng nên một trong những doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam từ con số không, nhờ đã làm việc chăm chỉ cật lực với ý chí quyết tâm đạt đến thành công.
Vừa qua, trước vô vàn biến cố ập đến doanh nghiệp do sai lầm trong một số việc xử lí bên trong và bên ngoài. Điều đó khiến ông lo ngại con cái ông sẽ khó đảm đương được công việc thay ông.
Mặc dù ông Thanh thừa nhận, cô con gái ông dự kiến trao quyền mang đầy đủ phẩm chất của một CEO, và cô ta làm việc thường xuyên 16 tiếng một ngày. Nhưng đối diện với áp lực ghét bỏ của cộng đồng sẽ là một điều khó khăn.
Ông nói khi kết thúc bài phỏng vấn, “Kế thừa công việc kinh doanh không phải là một món lợi, đó là một trách nhiệm”.
Cần khoan dung với sự “giàu có”
Ông Vượng, ông Thanh, bà Thảo và rất nhiều ông chủ khác đang phải đối diện với sự kì thị của xã hội. Mặc dù, doanh nghiệp của họ đang tạo công ăn việc làm cho cả trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp.
Mới đây, khi phát động chương trình đồng hành cùng hàng Việt Nam. Một ý tưởng xem qua là rất tốt đẹp bởi quy mô, tầm vóc và tính thực tế cao. Nhưng ngay lập tức, Vingroup đối diện với khá nhiều chỉ trích.
Vietjet Air khi kí kết hợp đồng lịch sử với Boeing, hợp đồng giấy trắng mực đen chưa ráo mực với sự chứng kiến của 2 nguyên thủ quốc gia Việt – Mỹ. Nhưng trên mạng xã hội, vô số những lời mỉa mai cho rằng, đó chỉ là trò đùa của doanh nghiệp và những lời độc địa ác ý cứ lan dần hướng vào doanh nghiệp này.
Tân Hiệp Phát cũng vậy. Ông Thanh cũng đối diện với cáo buộc không chứng cớ về đời sống riêng tư và sở thích bài bạc của mình.
Ba ví dụ này chỉ phản ánh một phần nhỏ sự kì thị người giàu trong xã hội Việt Nam. Khi có mạng xã hội tiếp tay, thái độ căm ghét người giàu trở thành vũ khí kinh khủng của những kẻ “anh hùng bàn phím” lười biếng, bất hạnh và độc ác.
Câu chuyện ví dụ ở Trung Quốc và Việt Nam cho thấy một thực tế. Giàu thì bị ghét, nghèo thì bị khinh. Tuy nhiên, sự giàu có luôn có nhiều lựa chọn. Một xã hội kì thị người giàu sẽ bắt buộc họ chuẩn bị cuộc sống khác cho con cái và chính tương lai gia đình họ.
Đi kèm với những cuộc di cư bất đắc dĩ đó là tài sản, trí tuệ và những giá trị khác. Chúng ta được gì khi vùi dập doanh nghiệp Việt trên chính mảnh đất này. Và khi, họ đã chuẩn bị một cuộc sống khác cho con cái ở các quốc gia an toàn thì lấy gì đảm bảo, họ sẽ trách nhiệm cho cộng đồng ở quê hương hơn.
Câu hỏi đặt ra ở đây: khi căm ghét người giàu, xã hội được gì? Và bao giờ, một tỷ phú Việt được yêu quý như ông chủ của mạng xã hội Facebook, của Microsoft, của Apple, thậm chí đang nhận sự ủng hộ đông đảo của dân chúng để tiến tới vị trí tổng thống Mỹ như tỷ phú Donald Trump
Leave a Reply