Đã đến lúc cần thay đổi những quan niệm về Kỳ thị vùng miền

Ai cũng có ưu, khuyết điểm. Chồng tôi cũng không phải là người hoàn hảo. Nhưng tôi chỉ muốn lấy một ví dụ để mọi người thấy rằng, không phải đàn ông Thanh Hóa nào cũng không tốt. Họ cũng có rất nhiều điểm tốt cần được học hỏi. Cách sống của một người không phải do việc người ấy sinh ở vùng miền nào quyết định, mà do chính bản thân họ, do nếp sống gia đình đã nuôi họ lớn lên, do sự hiểu biết xã hội, chỉ số EQ và nhiều yếu tố khác.

– Mỗi người sống trên đời đều có quyền tự do quyết định, đưa ra lựa chọn trong cuộc sống của mình. Nhưng có những điều không ai lựa chọn được, đó là vùng miền sinh ra, bố mẹ, hoàn cảnh gia đình.

Vậy mà cái tưởng chừng là ngẫu nhiên ấy lại đem lại cho không ít người những nỗi ưu phiền, đặc biệt là người dân miền Trung, vùng Nghệ An, Thanh Hóa.

Tôi là người Yên Bái. Từ những ngày đầu xuống thủ đô học đại học, tôi đã nhận được những lời khen của không ít người thành phố. Họ cho rằng tôi giỏi, vì ở vùng đất xa xôi hẻo lánh, nhiều núi đồi, nhiều dân tộc thiểu số và nghèo nàn như vậy, tôi vẫn thi đỗ đại học. Những lời nói đó khiến tôi chạnh lòng, vì họ chưa bao giờ hiểu về vùng đất tôi sinh ra và lớn lên. Yên Bái đang còn nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều vùng khá phát triển như thành phố Yên Bái, trung tâm các huyện Yên Bình, Trấn Yên… không kém gì miền xuôi. Có lẽ bởi vì báo chí và các phương tiện truyền thông hầu như chỉ đưa tin về các vùng thiếu thốn nhất của tỉnh như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, với nhà sàn, ngựa, ruộng bậc thang… khiến cho không ít người có cái nhìn phiến diện về vùng đất quê hương tôi. Và các bạn các tỉnh lân cận như Lào Cai, Sơn La… cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.

Nhưng có lẽ điều này cũng không có gì là to tát, cho đến khi tôi nghe được những định kiến về người dân Nghệ An, Thanh Hóa. Một số người khuyên tôi không nên chơi cùng những người vùng này, vì rất nhiều lý do như keo kiệt, xấu tính,… và những câu chuyện khác không rõ nguồn gốc. Ra trường, nhiều sinh viên Nghệ An, Thanh Hóa khi đi xin việc cũng bị loại ngay ở vòng hồ sơ, không chỉ trong miền Nam, mà điều này cũng tồn tại ngay ở Hà Nội. Câu nói: “Trai Thanh, gái Nghệ” vẫn hàng ngày tồn tại, đánh đồng tất cả những người ở vùng đất này.

Tôi có một người bạn thân là người Nghệ An. Theo cảm nhận của tôi, đó là một người con gái tốt. Cô ấy đã giúp tôi mọi lúc tôi cần, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, chia nhau cả gói mì tôm trong suốt những ngày tháng sinh viên học cùng nhau. Dù tiếng nói đặc trưng hơi khó nghe, nhưng cô vẫn có rất nhiều bạn bè ở nhiều nơi, bởi tính tình cởi mở, thân thiện và rất tốt bụng. Thông qua cô bạn thân của mình, tôi cũng tiếp xúc với nhiều người miền Trung khác ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và nhận thấy rằng những lời đồn đại kia chỉ đúng một phần nhỏ. Tôi không hiểu tại sao người ta lại cứ đánh đồng tất cả những người dân Nghệ An đều là người không tốt. Ở đâu cũng có người này, người kia, không thể vì con sâu mà bỏ rầu nồi canh. Có nên chỉ vì một số người mà kỳ thị cả một vùng miền?

Chồng tôi cũng là người Thanh Hóa. Từ khi yêu anh, tôi đã bị vài bạn bè phản đối, vì người ta nói rằng đàn ông Thanh Hóa gia trưởng, lại keo kiệt… Nhưng tôi không thấy điều đó ở chồng tôi, ít nhất là tới thời điểm này. Từ khi yêu đến khi lấy tôi, anh luôn tỏ rõ mình là người đàn ông có sự quyết đoán và chững chạc nhưng mỗi khi cần đưa ra một quyết định, anh đều tham khảo ý kiến và luôn tôn trọng lý lẽ của vợ. Chưa bao giờ anh chửi mắng hay đánh đập vợ con một lần. Mọi mâu thuẫn đều được giải quyết trên “bàn đàm phán” với tiêu chí bình đẳng, lắng nghe. Không chỉ vậy, anh cũng luôn giúp tôi làm việc nhà, trông con… Công việc không có gì to tát, nhưng chính sự sẻ chia ấy làm vợ chồng càng gắn bó, gia đình thêm hạnh phúc.
camcua-1
Ai cũng có ưu, khuyết điểm. Chồng tôi cũng không phải là người hoàn hảo. Nhưng tôi chỉ muốn lấy một ví dụ để mọi người thấy rằng, không phải đàn ông Thanh Hóa nào cũng không tốt. Họ cũng có rất nhiều điểm tốt cần được học hỏi. Cách sống của một người không phải do việc người ấy sinh ở vùng miền nào quyết định, mà do chính bản thân họ, do nếp sống gia đình đã nuôi họ lớn lên, do sự hiểu biết xã hội, chỉ số EQ và nhiều yếu tố khác.

Mẹ chồng tôi tất nhiên cũng là người Thanh Hóa. Vài năm làm dâu của bà, hiện giờ đang sống cùng bà, nhưng mối quan hệ của mẹ con chúng tôi vẫn rất tốt đẹp. Là một người phụ nữ nông thôn vượt lên từ nghèo khó, lại có cuộc đời làm dâu cơ cực, nên chưa bao giờ bà gây khó dễ cho tôi. Mẹ tiết kiệm, nhưng không có nghĩa là không dám mạnh tay chi vào những việc cần thiết. Mẹ cẩn thận, nhưng không bắt bẻ con dâu những lỗi sai nhỏ nhặt. Mẹ yêu con trai, nhưng luôn bênh con dâu mỗi khi con trai mình sai, vì với mẹ, con nào cũng là con của mình… Tôi rất hạnh phúc khi có một người mẹ chồng Thanh Hóa như thế.

Không biết định kiến về người Nghệ An, Thanh Hóa có từ bao giờ. Và dù những người tôi kể ở bên trên không đủ để chứng minh mọi người Nghệ An, Thanh Hóa đều tốt, nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại một điều: vùng đất nào cũng có những người tốt, người xấu. Trong bản thân mỗi con người cũng có những cái hay, cái dở, không ai vẹn toàn. Nếu kỳ thị vùng miền, thì có lẽ chỉ nên vùng nào giao tiếp với vùng ấy. Bởi vì nhắc đến người Nam Định, người ta nói là dân “hai ngón” (tức là trộm cắp). Người Hải Phòng lại bị cho là đầu gấu, ghê gớm… Phải chăng điều này cũng là do nhiều người chưa có cái nhìn toàn diện về người miền Trung và các vùng miền khác, cũng như cái cách họ nhìn nhận, đánh giá về điều kiện kinh tế của Yên Bái quê tôi? Vì vậy, muốn hiểu về người Nghệ An, Thanh Hóa, hãy nghĩ đến môi trường tự nhiên khắc nghiệt mà họ phải chung sống, những cơn bão tàn phá kinh hoàng… Họ đã phải nỗ lực, hi sinh để vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, cơ cực hơn rất nhiều vùng miền khác để có được cuộc sống ấm no.

Tôi không phải là người Thanh Hóa, Nghệ An. Nhưng với một cách nhìn khách quan nhất, tôi vẫn luôn yêu quý họ. Còn những người không tốt, dù là người tỉnh nào, tôi cũng không giao lưu hay làm việc cùng. Đó là điều đương nhiên. Không phải ai cũng đã từng tiếp xúc với người Nghệ An, Thanh Hóa để có thể đánh giá họ. Rất nhiều người chỉ vì nghe những lời kể truyền miệng mà tạo ra hiệu ứng làn sóng kỳ thị những người dân vùng này. Hi vọng những ai có lối suy nghĩ kỳ thị vùng miền hãy thay đổi quan điểm của mình

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *