Trước khi xây dựng một xã hội bình đẳng cần phải phá vỡ khuôn mẫu về giới
Sở dĩ có những hình mẫu tiêu cực được dựng lên nhằm đe dọa những người đàn ông và phụ nữ rằng họ không được đi ngược với những khuôn mẫu đã được xây dựng và định hình. Nếu đi ngược lại, họ sẽ trở thành những thành phần tiêu cực và bị lên án trong xã hội. Đây cũng chính là một cách dựng lên để bảo vệ định kiến
Sự bình đẳng giữa nam và nữ đang là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia trên thế giới.
(LĐXH)Trong một xã hội dân chủ, việc đại diện công bằng cho tất cả công dân bao gồm các tầng lớp nhân dân, dân tộc và mọi giới là mục tiêu của tất cả mọi người. Khi nói đến giới, người ta thường hay nghĩ đến phụ nữ. Nhưng thực tế giới không chỉ có phụ nữ mà là cả nam giới. Tuy nhiên, trong những năm của thế kỷ trước, khuôn mẫu về giới vô hình chung đã được dựng lên, nó trở thành một rào cản rõ rệt trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng.
Khuôn mẫu giới và những định kiến
Trong những năm của thế kỷ thứ 18, 19, ở các nước Châu Âu quan niệm rằng: Đàn ông phải là những người mạnh mẽ, nam tính và ít thể hiện tình cảm trong khi đó phụ nữ phải là một người giàu cảm xúc, ủy mị và có vai trò làm vợ, làm mẹ. Đàn ông có trách nhiệm đi làm kiếm tiền để nuôi sống gia đình trong khi phụ nữ không được phép đi làm vì họ cho rằng “không thể tin được phụ nữ vì họ dễ thay đổi và giàu cảm tính” trong khi đàn ông rất hợp lý, rõ ràng và rành mạch.
Việc hình thành khuôn mẫu giới này là một hố sâu ngăn cách, là vũ khí tối tân chống lại phụ nữ khi họ muốn đi làm việc. Mặt khác, người ta còn quan niệm rằng phụ nữ sinh ra chỉ để thực hiện nhiệm vụ là duy trì nòi giống, họ có chu kỳ kinh nguyệt dẫn đến tâm sinh lý bất ổn không thể làm việc được hoặc nếu có cũng chỉ là những công việc không có vị trí quan trọng trong xã hội. Chính vì vậy phụ nữ và nam giới không thể nào làm việc cùng nhau, họ có công việc và những vị trí khác nhau trong xã hội và được phân chia một cách cụ thể rõ ràng không thể phá vỡ. Chính vì sự phân biệt giới tính một cách quá rõ ràng và trở thành khuôn mẫu như vậy đã khiến cho xã hội bắt đầu có sự bất bình đẳng. Phụ nữ đã rất nhiều năm không được làm việc hoặc nếu có cũng chỉ là những công việc không quan trọng. Họ không có vị trí cao trong xã hội và không được tham gia vào lĩnh vực chính trị. Việc của phụ nữ là chăm sóc con cái, phục vụ gia đình và nếu có đi làm cũng chỉ là dọn dẹp trong các nhà xưởng, làm ô sin cho các gia đình nhà giàu hoặc bảo mẫu chăm trẻ. Họ tuyệt nhiên không được tiếp cận với những nền học vấn trong xã hội, chính điều này đã tạo nên những định kiến rõ rệt trong việc phân định giới và sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đôi khi trong các khuôn mẫu nêu trên cũng có những hình ảnh bị coi là tiêu cực và không phải là chuẩn mực như đàn ông thích uống rượu bia, là con bạc hoặc ẻo lả, biểu hiện của sự lệch lạc giới tính hoặc những người phụ nữ gợi tình, không biết chăm sóc con cái hoặc những người phụ nữ đi làm cũng được coi là một trong những biểu hiện tiêu cực của xã hội. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận được những định kiến tiêu cực về giới trong những năm đầu thế kỷ 18, 19. Năm 1982, Bà Gro Harlem Brundtland trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nauy. Ngay khi xuất hiện, bà được giới truyền thông bình luận là “trông quá nam tính” không phải bởi vì vẻ ngoài nam tính của bà mà bởi vì bà đang làm công việc của đàn ông và nắm quyền lực của đàn ông. Hay trường hợp của ông Knut Vollebek năm 2000 bị truyền thông kết tội vì cười nhiều quá. Theo giới truyền thông Nauy lúc bấy giờ, bởi vì ông là một người đàn ông có quyền lực, có địa vị xã hội nên ông không được cười nhiều. Đàn ông cười nhiều được nhìn nhận một cách không nghiêm túc, hoặc khóc quá nhiều như ông John Boehner của Đảng tự do Hoa Kỳ cũng bị lên án.
Sở dĩ có những hình mẫu tiêu cực được dựng lên nhằm đe dọa những người đàn ông và phụ nữ rằng họ không được đi ngược với những khuôn mẫu đã được xây dựng và định hình. Nếu đi ngược lại, họ sẽ trở thành những thành phần tiêu cực và bị lên án trong xã hội. Đây cũng chính là một cách dựng lên để bảo vệ định kiến, khuôn mẫu giới đã được xây dựng nhằm củng cố vai trò và vị thế của đàn ông trong xã hội. Tất cả những điều này không tồn tại bên ngoài mà nó đã ăn sâu và tiềm thức của mỗi con người trong xã hội thời kỳ đó.
Phá vỡ khuôn mẫu giới để có một xã hội bình đẳng.
Muốn xây dựng được một xã hội bình đẳng và thực hiện được tốt các cam kết trong công ước CEDAW cũng như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Việc phá vỡ khuôn mẫu về giới và thay đổi nhận thức là một điều vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của các cam kết. Tuy nhiên thay đổi như thế nào, làm cách nào chỉ ra cho mọi người thấy được quyền của mình trong cuộc sống và những chế định bảo vệ quyền cá nhân không phải là chuyện một sớm một chiều. Người ta có thể thay đổi các chế định luật pháp nhưng không thể thay đổi tư duy đã ăn sâu vào gốc rễ mỗi con người. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự ban hành chính sách của Chính phủ các quốc gia, giới truyền thông và những người trực tiếp làm công tác bình đẳng giới. Sự thay đổi nhận thức phải được thực hiện đồng thời trên mọi mặt của đời sống xã hội
Phá vỡ nhận thức về khuôn mẫu giới của người dân (thông qua việc xây dựng các thể chế luật pháp, sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền các địa phương và những cán bộ trực tiếp làm công tác bình đẳng giới tại địa phương mình). Điều này giúp cho phụ nữ nhận thức rõ hơn vai trò và vị trí của mình trong xã hội, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Bên cạnh công tác tuyên truyền của các cán bộ phụ nữ cơ sở, khi truyền thông cũng cần lưu ý những vấn đề về giới trên mặt báo. Một cuộc khảo sát nhanh chóng trên 10 tờ báo khác nhau ra ngày 9.6.2012 cho thấy sự khẳng định về khuôn mẫu giới đôi khi thể hiện rất rõ trên mặt báo. Điển hình như những tin tức về bóng đá (chiếm 90% là viết về nam giới, một số bài viết có nhắc đến phụ nữ nhưng ở dưới hình thức “gái gọi nín thở cùng Euro” hoặc nhắc đến phụ nữ là nhắc đến những đồ vật trang trí được xếp cạnh các sản phẩm như: Người đẹp bên xế hộp; chân dài và xe hơi…; một số bài báo khác lại nhìn nhận phụ nữ dưới góc độ là những người bị bạo hành, xâm hại, là những người yếu thế trong xã hội cần được giúp đỡ trong khi đàn ông được miêu tả là các chính khách, những nhà quản lý, doanh nhân thành đạt, cầu thủ thể thao xuất sắc…chính việc báo chí vô tình tạo ra các khuôn mẫu này đã tạo ra hố sâu hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới hiện nay. Điều quan trọng và cốt lõi trong xã hội là phải làm cho mọi người hiểu rằng “Đấu tranh cho quyền bình đẳng giới không phải là đấu tranh cho phụ nữ mà là đấu tranh cho cả nam và nữ” . Đàn ông cũng rất dễ bị tổn thương, đàn ông cũng từng bị xâm hại và phụ nữ thì có rất nhiều người thành đạt…Giới truyền thông sẽ là những người hoạt động tích cực nhất trong việc phá vỡ định kiến và khuôn mẫu giới thông qua các bài viết của mình, trong đó cố gắng đưa ra những bằng chứng thực tế về việc bất bình đẳng giới hiện nay.
Tất nhiên, việc phá vỡ khuôn mẫu và định kiến giới không phải là công việc một sớm một chiều, tuy nhiên bằng những công việc hằng ngày, từ những người tạo ra các chế định luật pháp đến những cá nhân trong cộng đồng đều cố gắng thì việc bất bình đẳng giới sớm muộn cũng sẽ đạt được kết quả nhất định và đó cũng là mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam
Leave a Reply