Áp lực đến từ xã hội đối với những nữ tri thức
Định kiến của xã hội về nhóm nam giới hay nhóm nữ giới thường được gọi là định kiến giới. Định kiến giới được hiểu là thái độ có sẵn của xã hội nhìn nhận không đúng về khả năng, về tính cách mà nam giới hoặc nữ giới nên có, hoặc không nên có; về loại hình hoạt động và nghề nghiệp mà nam hay nữ giới có thể,
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Khi một cách nhìn, một thái độ hay hành vi của cá nhân, nhóm xã hội được định hình từ trước và phản ánh không đúng sự thật về đối tượng thì đều là những biểu hiện khác nhau của định kiến. Có thể hiểu, định kiến xã hội là những thái độ tiêu cực không có cơ sở chắc chắn; một tập hợp các quan niệm, ý kiến, niềm tin hoặc biểu tượng có tính chất rập khuôn và đơn giản hoá những đặc điểm bề ngoài về một nhóm người nào đó khiến cho các đặc điểm của nhóm này bị mô tả một cách cứng nhắc, không chính xác.
Định kiến của xã hội về nhóm nam giới hay nhóm nữ giới thường được gọi là định kiến giới. Định kiến giới được hiểu là thái độ có sẵn của xã hội nhìn nhận không đúng về khả năng, về tính cách mà nam giới hoặc nữ giới nên có, hoặc không nên có; về loại hình hoạt động và nghề nghiệp mà nam hay nữ giới có thể, hoặc không thể làm. Thậm chí sự ấn định này có trước cả khi họ được sinh ra. Do xã hội hiện nay vẫn còn những bất bình đẳng đối với phụ nữ nên khái niệm định kiến giới được ngầm hiểu là định kiến đối với nữ giới. Định kiến giới hiện nay phản ánh chưa đúng với khả năng thực tế của nữ giới, đặc biệt là nữ trí thức, do cách nhìn nhận về nữ trí thức bị phiến diện vào những khuôn mẫu giới truyền thống mà xã hội đã ấn định từ trước cho phụ nữ. Vì thế định kiến giới tạo nên một sự phân biệt đối xử tiêu cực với nữ trí thức, trong so sánh với nam trí thức.
Trong khi đó, áp lực xã hội được hiểu là những sức ép tâm lý của số đông người buộc một cá nhân, hay nhóm người phải thay đổi suy nghĩ, thái độ hoặc hành vi của mình sao cho phù hợp với các quy tắc, khuôn mẫu của xã hội. Xét từ góc độ giới, sức ép này thường là các quy tắc công khai hay ngầm định của nam giới đối với nữ giới. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức hay hành vi của nữ trí thức trước những áp lực của định kiến giới phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và sự lựa chọn các giá trị mà nữ trí thức cho là quan trọng trong cuộc đời họ.
Nữ trí thức Việt Nam là những người làm việc trí óc, họ có năng lực sáng tạo, luôn nhạy cảm với sự công bằng. Vì vậy, những định kiến và áp lực xã hội đối với nữ trí thức đã thật sự ảnh hưởng tới sự duy trì hạnh phúc gia đình và phát triển nghề nghiệp của họ. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích những biểu hiện cụ thể của định kiến xã hội đối với nữ trí thức và những áp lực xã hội mà nữ trí thức đang phải “gồng mình” để vượt qua. Bài viết này được phân tích dựa trên những hồ sơ của các nữ tiến sỹ Đại học quốc gia Hà Nội; những nghiên cứu của chúng tôi về “Định kiến giới và phân biệt đối xử theo giới” và phân tích từ các cuộc phỏng vấn nhanh về nữ trí thức của chúng tôi. Ngoài ra, bài viết cũng tham khảo một số công trình, hay số liệu đã được công bố.
2. ĐỊNH KIẾN XÃ HỘI ĐỐI VỚI NỮ TRÍ THỨC
Tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay đang khẳng định vai trò ngày càng lớn của nữ trí thức trong tất cả các lĩnh vực hoạt động trí óc. Tuy nhiên trong nhận thức của không ít người hiện nay (cả những người có chức vụ, học hàm, học vị chuyên môn cao) họ vẫn còn có xu hướng đồng nhất các phẩm chất, năng lực của nữ trí thức với các khuôn mẫu của một người phụ nữ truyền thống, như tính nhẹ nhàng, cả tin, lệ thuộc… Cơ sở hình thành định kiến đối với các nữ trí thức đó chính là các khuôn mẫu giới – một biểu hiện của phương thức tư duy cứng nhắc và quá đơn giản khi đánh giá nhóm trí thức nữ mà không hoàn toàn dựa trên những phẩm chất cụ thể của họ, khi trong thực tế, tính chất hoạt động của nữ trí thức đã giúp họ tự chủ, phát triển năng lực trí tuệ; mở rộng nhãn quan dân chủ và khẳng định tiếng nói, vị trí của mình trong nghề nghiệp và xã hội. Có thể nói, so với các nhóm xã hội khác, nữ trí thức có nhu cầu bình đẳng và sự tự nhận thức khá cao. Những phân tích dưới đây sẽ làm sáng tỏ sự định kiến đối với nữ trí thức từ hai yếu tố là nhận thức và hành vi phân biệt đối xử.
Định kiến thể hiện qua nhận thức
Định kiến giới đối với phụ nữ thường thể hiện qua ngôn từ, và thể hiện ở niềm tin về những khuôn mẫu giới truyền thống ít nhiều không còn phù hợp, đặc biệt đối với nữ trí thức. Với tư cách là đồng nghiệp ở công sở, trường học, người ta ít nghe thấy những cụm từ công khai mà trong dân gian thường dành cho chị em, như: “Đồ đàn bà”, “Biết gì mà nói”, “Đồ ngu”, “Ngu như bò”. Trong khi những câu nói này vẫn được “tung ra” một cách tự nhiên trong một số gia đình. Và, dù … ai là ai thì… ai cũng “thông cảm” được!
Ở công sở, đôi khi bạn trò chuyện một cách thân tình với một số đồng nghiệp nam giới có học thức cao hay chức quyền, thậm chí cả với những trí thức trẻ tuổi – những người tự cho mình thuộc “nhóm tiến thủ”, bạn sẽ “giật mình” và nhận ra rằng bình đẳng giới là một cuộc chiến cam go về khía cạnh tư tưởng, niềm tin hơn là khía cạnh lợi ích của nữ trí thức hay vì sự phát triển bền vững của xã hội mà họ đã và sẽ đem lại. Với một số nhỏ những người này cũng đủ góp phần làm cho cuộc sống của nữ trí thức thêm phần năng nề, căng thẳng. Chia sẻ với một nghiên cứu sinh nữ trẻ về vấn đề nghiên cứu khoa học của nữ trí thức, một giáo sư nam thế hệ “cây đa cây đề” nói: ”Để có một gia đình hạnh phúc thì người phụ nữ nên lui sau chồng một bước, theo thông lệ chỉ có gà trống mới gáy, còn nếu gà mái gáy thì đó là báo hiệu điều gở sẽ đến và hơn nữa nếu cả hai cùng gáy thì bao giờ cũng có sự ganh đua và đã là ganh dua thì sẽ có sự phân chia thắng bại, mà thực tế đã chứng minh rằng khi đó phụ nữ bao giờ cũng là người bị chịu phần thiệt thòi hơn. Đã là phụ nữ thì đừng nên học quá cao và cũng đừng nên quá ham trên con đường công danh và sự nghiệp, bởi vì thượng đế đã tạo nên thiên chức của họ đó là làm mẹ và làm vợ” [Dẫn theo 3].
Xét từ góc độ quản lý, quan sát biểu hiện của định kiến giới qua lời nói hàng ngày, chúng ta dễ nhận thấy tính chất hai mặt trong đánh giá của xã hội về hành vi lãnh đạo của nữ và nam trên cùng một vấn đề. Những ngôn từ như: anh ấy xông xáo – chị ấy liều lĩnh; anh ấy sâu sát – chị ấy cầu kỳ; anh ấy ít nói – chị ấy giữ kẽ; ông ấy tự tin – bà ấy tự phụ; ông ấy vững vàng – bà ấy cứng rắn; ông ấy nghiêm nghị – bà ấy khó khăn v.v… Những ngôn từ này được các nhà nghiên cứu về giới trên thế giới (ví dụ, From Doyle, 1983) nói đến nhiều và chúng cũng rất phổ biến ở xã hội Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể cảm thấy sự chấp nhận vai trò lãnh đạo của nữ giới một cách rất… định kiến. Trò chuyện về sự lãnh đạo của nữ giới, một giảng viên đại học nhận xét:” Ngày nay nam hay nữ lãnh đạo đều được cả. Nếu một người lãnh đạo là nam giới nhưng thô thiển và thiếu công bằng thi thà có một lãnh đạo nữ quan tâm và có trách nhiệm với mọi người vẫn hơn”. Có thể nói: Những ngôn từ hàng ngày nhận định về nhóm nam hay nhóm nữ gần như được định khuôn trong lời nói, nhận thức của chúng ta và khi chúng được hoạt hóa, người ta không ý thức hết thái độ định kiến của mình, đặc biết là đối với nữ trí thức.
Quan sát ở nơi làm việc chúng ta cũng dễ nhận thấy hiện tượng, nếu một thủ trưởng nam nổi giận, điều này làm cho nhiều người sợ và không ít người khác lại nể. Dù là gì thì người ta cũng chấp nhận, vì “Anh ta cần thực thi quyền lực”. Tuy nhiên, nếu một nữ quản lý thể hiện sự giận dữ như thế, chắc chắn chị ta sẽ bị coi là “Mất kiểm soát”, “Kém năng lực lãnh đạo”. Và dù bất kể lý do gì chị ta cũng bị “điểm xấu”! Là phụ nữ, chị ta phải cư xử “nhẹ nhàng” và là trí thức, chị ta phải xử sự cho … “có học”!
Để làm rõ sự nhận thức mang tính định kiến về vai trò lãnh đạo đối với nữ giới, chúng tôi làm một khảo sát nhanh trên 150 sinh viên trường ĐHKHXH&NV HN về hiện tượng “Nam trưởng, nữ phó ”. Câu hỏi chúng tôi đưa ra: “Trong các chức vụ dưới đây (Hiệu trưởng/phó hiệu trưởng; chủ nhiệm khoa/phó chủ nhiệm khoa; trưởng phòng, ban/phó trưởng phòng, ban…) ai có thể đảm nhận ( nam hay nữ)? Xin giải thích lý do? Thật bất ngờ là hầu hết các chức vụ trong trường đều được tối thiểu 2/3 số sinh viên trả lời dập khuôn theo một mẫu truyền thống là “nam trưởng, nữ phó”, hoặc thậm chí chỉ có nam lãnh đạo – trừ duy nhất chức vụ kế toán trưởng là nữ. Một sự giải thích chung chung mà các em thường đưa ra là: làm lãnh đạo phải quyết đoán, mạnh mẽ; rằng những phẩm chất thuộc về lãnh đạo không hợp với nữ giới; hay, nữ giới vốn tình cảm, nhu mì, không quyết đoán…
Có sự nhận thức khác biệt về khuôn mẫu giới trong niềm tin và khuôn mẫu giới trong thực tế. Điều này được chúng tôi kiểm định trên sinh viên ngành Tâm lý học, khi các em học môn Tâm lý học Giới. Kết quả cho thấy: Khi yêu cầu sinh viên mô tả những nét tính cách, những đặc điểm của nam giới và của nữ giới (nói chung) thì tư duy của sinh viên thường dập theo khuôn mẫu giới đang có về nam hay nữ. Sinh viên cho rằng: Nam giới có đặc trưng là mạnh mẽ, quyết đoán, lãnh đạo, tự chủ, ít nói, tháo vát, linh hoạt v.v… Còn nữ giới có tính nhẹ nhàng, chung thủy, lắng nghe, nhường nhịn, chịu khó, tôn trọng người khác v.v… Tuy nhiên, khi yêu cầu các sinh viên mô tả những nét tính cách, những đặc điểm đặc trưng của mình, thì kết quả lại cho thấy không hề tồn tại sự khác biệt trong tính cách, đặc điểm của sinh viên nữ hay nam. Có nghĩa là cả sinh viên nam và nữ đều có gần hết các đặc điểm mà họ cứ nghĩ đó là của đàn ông hoặc của đàn bà. Nhiều nữ sinh viên nữ nói rằng họ có các đặc điểm như mạnh mẽ, tự chủ, ít nói, kiên định v.v…, và nhiều nam sinh viên cho rằng những đặc điểm như nhường nhịn, tôn trọng, tế nhị, biết lắng nghe v.v… là những phẩm chất có trong con người họ. [2]
Trong cuộc sống, hành vi của nữ giới và nam giới đều không quá khác biệt. Nữ giới có thể làm những công việc vốn thuộc về nam giới và ngược lại. Tuy nhiên trong nhận thức, chúng ta thường tư duy theo khuôn mẫu – cái này thuộc về đàn ông, cái kia của phụ nữ. Các khuôn mẫu xã hội luôn ủng hộ nam giới trong lĩnh vực nghề nghiệp và hướng đến làm lãnh đạo, còn đối với nữ giới các khuôn mẫu lại gắn họ với những phẩm chất của người nội trợ, chăm sóc người ốm, mẫn cảm. Cách xem xét vấn đề của nam giới và nữ giới theo khuôn mẫu trên là một sự duy trì bất bình đẳng trong nhận thức đối với nữ trí thức.
Định kiến thể hiện qua hành vi
Sự nhìn nhận không công bằng giữa nam và nữ trong công việc không chỉ đơn giản thể hiện ở lời nói rập khuôn, mà cả trong hành vi ứng xử. Câu hỏi đặt ra là: Xã hội đánh giá phẩm chất, năng lực của nữ trí thức từ thực tế khả năng của họ, hay chúng xuất phát từ khuôn mẫu giới truyền thống?
Leave a Reply