Suy nghĩ của một người già trong cuộc về những định kiến với họ
Tuy nhiên sau một năm, mọi thứ đi dần vào ổn định, công việc của tôi có “nhàn” hơn một chút thì tôi vấp ngay ánh nhìn “khác lạ” của những đồng nghiệp trẻ mà theo họ (tôi cảm được), tại sao họ làm nhiều mà lương thấp, trong khi đó tôi làm ít thì lương lại cao?
Vừa nghỉ hưu, tôi được một doanh nghiệp (nước ngoài) mời làm chuyên gia cho một dự án về cải tiến năng suất, chất lượng của đơn vị. Công việc độc lập, chịu sự phân công của giám đốc, người nước ngoài, tuổi chưa quá 35. Thời gian đầu bởi công việc của tôi hoàn toàn mới với mọi người trong công ty nên tôi không gặp… trở ngại nào từ những người trẻ.
Tuy nhiên sau một năm, mọi thứ đi dần vào ổn định, công việc của tôi có “nhàn” hơn một chút thì tôi vấp ngay ánh nhìn “khác lạ” của những đồng nghiệp trẻ mà theo họ (tôi cảm được), tại sao họ làm nhiều mà lương thấp, trong khi đó tôi làm ít thì lương lại cao?
Tôi không trách những người trẻ với cái nhìn này bởi ngày xưa thời còn trẻ, làm công chức nhà nước tôi từng có những ý nghĩ so sánh như thế, tuy hai môi trường bây giờ và trước đây hoàn toàn khác. Có lần tôi đã nói với một chị làm cùng phòng, là chuyên viên chính nhưng công việc của chị ít hơn việc của những người trẻ chúng tôi: “Chị sướng, việc ít mà lương lại cao”.
Tôi nhớ hoài câu trả lời của chị: “Mười năm nữa các bạn sẽ như mình”. Môi trường nhà nước không căn cứ trả lương từ năng lực của mỗi người, chỉ cần đến hẹn lại lên, và đôi khi việc phấn đấu của những người trẻ hoàn toàn bị cản trở bởi sếp cao, có thâm niên. Khác hoàn toàn với doanh nghiệp nước ngoài, họ có thể tăng lương đột xuất nếu đánh giá thấy năng lực của người lao động hoàn toàn xứng đáng.
Đọc bài “Tôn trọng người trẻ”, bỗng dưng tôi có cảm giác đang rơi vào trường hợp những người già (bị so sánh) trong bài và tôi chợt hiểu cách nhìn của những người trẻ với tôi ở công ty thời gian gần đây, khi mà dự án đã đi được 2/3 đoạn đường.
Có cái nhìn bình đẳng
Là điều tôi đang cần ở những người trẻ trong công việc. Tôi cũng đã qua những năm tháng tuổi trẻ, nhiệt huyết, năng động, quyết tâm… và rất nhiều lần nản chí, có cái nhìn không thiện cảm với những người già lúc nào cũng như ngáng chân mình. Giờ đây, tôi có gì để được sự tín nhiệm của một sếp (trẻ) người nước ngoài? Đó là sự thận trọng, chín chắn, nắm vững chuyên môn.
Tất nhiên tôi cũng có những sai sót và bị khiển trách, nhưng kinh nghiệm sống giúp tôi thấy điều đó là đúng, tôi làm sai, tôi bị phê bình, tôi xin rút kinh nghiệm. Các bạn trẻ cần phải hiểu rằng người ta trả lương cho tôi, một người già, không phải vì cách làm việc “hùng hục”, sự năng nổ của người trẻ, mà người ta cần tôi đôi khi chỉ một câu tư vấn, một ý tưởng đổi mới mà họ không nghe được từ những người trẻ.
Có thể những người trẻ cũng có ý tưởng như vậy nhưng họ không dám nói hay cách nói không được ông chủ tiếp thu. Những điều này đối với người già đó là kinh nghiệm.
Tôi cần cái nhìn bình đẳng từ những người trẻ. Ngoài những kinh nghiệm hay chuyên môn có được, tôi còn phải học nhiều từ các bạn trẻ để có thể hòa hợp được với họ, không muốn bị soi mói, trách cứ, cái nhìn không thiện cảm; chủ động làm nhiều việc mà không phải nhờ họ giúp đỡ. Tôi muốn được bình đẳng với các bạn trong công việc để tránh tối đa việc so sánh không cần thiết.
Bạn trẻ hãy sống hết mình đi
Một nguyên tắc của người Nhật là họ đánh giá rất cao những người gắn bó lâu dài với cơ quan. Đó là những người cống hiến gần như cả cuộc đời vì lợi ích cơ quan, và người có thâm niên hơn 20 năm luôn được người có thâm niên ít hơn cúi đầu chào.
Kính già không chỉ là một nét văn hóa có trên có dưới, mà còn thể hiện nền tảng của việc có giáo dục. Kính già không phải là để người già có quyền quyết định mọi thứ mà là biết lắng nghe, chọn lọc và thuyết phục. Kính già còn hàm ý nghĩa người già phải biết công nhận tài năng của người trẻ và giúp đỡ họ trong khả năng của người già.
Cuộc sống đa dạng và phức tạp, chỉ là một góc nhìn phiến diện qua trường hợp của tôi. Tôi biết có rất nhiều bất công với những người trẻ chỉ vì sự thờ ơ, vô cảm hay coi thường người trẻ từ những người già. Nhân tài ra đi, chảy máu chất xám, bất mãn, mâu thuẫn… có nguyên nhân từ đó.
Thậm chí có những người già lúc còn tại vị đã không làm được việc, nhưng khi nghỉ hưu vì một ơn huệ nào đó với lãnh đạo kế nhiệm, họ được mời làm việc lại, gây cản trở không ít cho những người trẻ.
Nếu cho rằng “Sự kính trọng người già – thứ có gốc gác từ văn minh nông nghiệp khi lao động dựa vào kinh nghiệm (canh tác) hơn là sức lực như ở văn minh du mục – đã rất dễ dàng chuyển hóa thành những ưu đãi mặc định theo tuổi tác” thì, tôi khẳng định, tôi đang làm cho một công ty nước ngoài – một nước phát triển, họ vẫn sử dụng tôi – một người già, họ trả lương tôi cao không chỉ đánh giá năng lực mà họ cần đến kinh nghiệm của tôi.
Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng hãy sống hết mình đi, tìm một môi trường để phát huy, một ngày nào đó các bạn cũng sẽ già, tích lũy kinh nghiệm, rồi các bạn sẽ nhìn thấy và đánh giá “bọn trẻ”, như chúng tôi bây giờ.
Và hãy thẳng thắn nhìn nhận đất nước chúng ta chưa đủ tầm để “dung dưỡng” người già. Một thực tế có thể rất phũ phàng là người già thường bị coi là “hết xài” bởi định kiến từ những người còn nắm giữ chức vụ (mà) ít già hơn.
Điều cuối cùng, theo ý tôi, đất nước cần sức trẻ, cần những ý tưởng đổi mới mạnh mẽ của người trẻ, nhưng phải có những cái đầu già. Người trẻ là bánh xe, cũng cần người già làm cái thắng vậy!
Leave a Reply